Quy tắc ứng xử nội bộ Trường Đại học Lương Thế Vinh

Ngày: 26/06/2021

QUYẾT ĐỊNH

V/v ban hành Quy tắc ứng xử nội bộ

 

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC LƯƠNG THẾ VINH

 

Căn cứ quyết định 259/2003/QĐ-TTg, ngày 05/12/2003 của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Lương Thế Vinh;

Căn cứ Luật giáo dục Đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 99/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Căn cứ Quyết định số 1299/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”;

Xét đề nghị của Trưởng phòng NCKH-ĐBCL&QHQT,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc ứng xử nội bộ của Trường Đại học Lương Thế Vinh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ này ký.

Điều 3: Các đơn vị Phòng, khoa và các tổ chức thuộc Trường Đại học Lương Thế Vinh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 HIỆU TRƯỞNG        

(Đã ký)                

PGS-TS Mai Quốc Chánh

 

QUY TẮC ỨNG XỬ NỘI BỘ

CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LƯƠNG THẾ VINH

(Ban hành kèm theo quyết định số 65/QĐ-ĐHLTV, ngày 23 tháng 6 năm 2021

của Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh)

 

CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của việc xây dựng Quy chế ứng xử nội bộ

1. Nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ nhân viên (CÁN BỘ NHÂN VIÊN) trong nhà trường và xác định chuẩn mực thái độ ứng xử trong phạm vi thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, đơn vị của mình trong nhà trường và đối với những người ngoài trường song có liên quan tới nhà trường.

2. Xây dựng một nếp sống văn hóa lành mạnh kỷ cương, tôn trọng pháp luật, có nghĩa có tình, thương yêu tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực thi nhiệm vụ của nhà trường. Qua đó giữ gìn và phát huy niềm tự hào là người của Trường Đại học Lương Thế Vinh.

3. Là căn cứ để đánh giá những hành vi của cán bộ nhân viên trong trường nhằm xử lý những hành vi vi phạm chuẩn mực trong ứng xử hoặc xếp loại cán bộ nhân viên trong việc chấp hành những quy định của pháp luật và nhà trường.

Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh mối quan hệ giữa cán bộ nhân viên trong nhà trường khi thực thi nhiệm vụ của mình, đó là các mối quan hệ giữa Ban Giám hiệu, các Trưởng đơn vị, nhân viên trong từng đơn vị và ngược lại đồng thời giữa cán bộ nhân viên với công dân bên ngoài song có liên quan tới nhà trường;

2. Đối tượng điều chỉnh: Toàn bộ cán bộ nhân viên, các đơn vị trong bộ máy quản lý và các tổ chức xã hội trong trường.

Điều 3. Những căn cứ xây dựng Quy chế ứng xử nội bộ

1. Dựa vào các văn bản pháp luật: Luật Giáo dục đào tạo, Luật lao động....

2. Quy chế thực hiện dân chủ trong nhà trường.

3. Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức làm việc trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

4. Quy định về đạo đức nhà giáo ban hành kèm theo quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

CHƯƠNG II: THỰC HIỆN QUY CHẾ ỨNG XỬ NỘI BỘ

MỤC 1. CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CỦA NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG NHÀ TRƯỜNG

Điều 4. Phẩm chất chính trị

1. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của bản thân và vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn.

2. Có ý thức tổ chức kỷ luật cao trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phục vụ đào tạo; luôn luôn làm gương cho người học, giúp đỡ tận tình sinh viên trong học tập và rèn luyện.

3. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Điều 5. Đạo đức nghề nghiệp

1. Tâm huyết với nghề nghiệp, yêu người, yêu nghề, có ý thức giữ gìn uy tín, danh dự và lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đối xử hòa nhã với đồng nghiệp, sinh viên.

2. Công bằng trong giảng dạy, đánh giá khách quan, đúng thực chất năng lực của sinh viên, chống tham ô lãng phí, tham nhũng.

3. Luôn lắng nghe ý kiến góp ý của bạn bè đồng nghiệp, người học, nghiêm túc sửa chữa khuyết điểm để tu dưỡng bản thân.

4. Luôn luôn trân trọng giữ gìn danh dự của nhà trường, uy tín của bản thân; nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo.

Điều 6. Lối sống, tác phong

1. Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vươn lên trong cuộc sống; hòa nhập với cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa phù hợp với bản sắc dân tộc.

2. Tác phong làm việc nhanh nhẹn khoa học, hòa nhã với đồng nghiệp, với sinh viên.

3. Đoàn kết, gương mẫu giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp trong thực thi công việc cũng như trong cuộc sống.

4. Gắn bó yêu thương sinh viên, gần gũi với phụ huynh sinh viên, gắn chặt nhà trường với gia đình và xã hội, giáo dục sinh viên trở thành những công dân tốt, những nhà chuyên môn giỏi trong tương lai.

MỤC 2. QUY TẮC ỨNG XỬ

Điều 7. Ứng xử chung với phương châm Trách nhiệm - Chuyên nghiệp

1. Chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế của trường.

2. Làm việc có kế hoạch, có tinh thần trách nhiệm cao, chuyên tâm với công việc.

3. Không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

4. Có tinh thần hợp tác trong công việc.

5. Trang phục chỉnh tề, giữ gìn hình ảnh truyền thống của trường. Trong ngày làm việc, trang phục đơn giản gọn gàng lịch sự phù hợp với nhà giáo. Trong các ngày lễ, trang phục đẹp, truyền thống.

6. Luôn hành động vì mục tiêu phấn đấu của Trường Đại học Lương Thế Vinh - trường đại học vùng hiện đại tiên tiến trong nước.

Điều 8. Ứng xử trong lãnh đạo quản lý: Phương châm gương mẫu - Công tâm

1. Thực hiện chuẩn mực các chức năng nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

2. Tôn trọng kỷ luật và quy trình làm việc theo quy định của trường.

3. Đi đầu trong xây dựng môi trường làm việc cởi mở thân thiện, không nghi kỵ, bè phái, cục bộ.

4. Lãnh đạo quản lý điều hành dân chủ, công khai minh bạch.

5. Tôn trọng và lắng nghe các ý kiến đóng góp.

6. Bảo về quyền và lợi ích chính đáng, uy tín, danh dự của nhân viên dưới quyền.

Điều 9. Ứng xử với đồng nghiệp: Phương châm Hợp tác - Chân thành

1. Coi đồng nghiệp như người thân trong gia đình.

2. Chủ động phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ đồng ngiệp cùng hoàn thành nhiệm vụ.

3. Tôn trọng, cởi mở, khiêm tốn và chân thành có trách nhiệm bảo vệ danh dự của đồng nghiệp, không ghen ghét đố kỵ, lôi kéo bè phái gây mất đoàn kết nội bộ.

4. Phê bình, góp ý với đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, khách quan đúng lúc, đúng chỗ.

5. Có tinh thần cầu thị, nghiêm túc trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, không suồng sã, nói năng thiếu văn hóa trong sinh hoạt.

Điều 10. Ứng xử của người học với phương châm Nghiêm túc - Văn minh

1. Trang phục gọn gàng, văn minh lịch sự theo quy định của trường.

2. Không tự ý bỏ học, bỏ tiết.

3. Ra vào lớp đúng giờ, xin phép thầy cô giáo.

4. Không sử dụng điện thoại trong lớp học, không hút thuốc lá trên giảng đường, tắt điện khi ra khỏi phòng học.

5. Giữ gìn anh ninh trật tự, bảo vệ của công, tài sản của nhà trường.

6. Không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi, không đạp chân lên tường, không viết, vẽ lên bàn học.

7. Không đi xe đạp, xe máy trong sân trường.

8. Lễ phép, chào hỏi các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường, không rụt rè, hoặc thô lỗ, không sử dụng các động tác gây phản cảm. Khi hỏi, trả lời với thầy cô giáo, người lớn tuổi phải thưa gửi, cảm ơn. Khi làm phiền phải biết xin lỗi.

9. Hòa nhã và tôn trọng bạn bè, không gọi bạn bè bằng tiếng lóng, không gắn tên bạn bè cùng cha mẹ hoặc gắn với những khuyết điểm của bản thân họ.

10. Thăm hỏi giúp đỡ bạn bè chân thành, tế nhị, không xa lánh coi thường người bị bệnh hoặc khiếm khuyết, hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

11. Nói chuyện với bạn bè chân thành cởi mở, không cãi vã, dè bửu chê bôi, biết lắng nghe.

12. Trong lớp học đảm bảo tư thế nghiêm túc, trật tự, tôn trọng thầy cô giáo và bạn cùng lớp, không có các cử chỉ thiếu văn minh lịch sự, ghi chép nghiêm túc những kiến thức thầy cô chuyển tải, nghiêm túc, cầu thị và tôn trọng trong thảo luận.

13. Nghiêm túc trong thi cử, không có những hành vi gian lận.

Điều 11. Ứng xử giữa cấp dưới với cấp trên với phương châm Tuân thủ - Tôn trọng

1. Phải nghiêm túc chấp hành những chỉ thị nghị quyết, những ý kiến chỉ đạo của cấp trên, ngay cả khi bản thân chưa thông suốt, sau đó có quyền trình bày ý kiến của mình.

2. Thực hiện đúng các yêu cầu của cấp trên về nội dung công việc, thời gian hoàn thành.

3. Coi trọng, giữ gìn và bảo vệ uy tín của bản thân và cấp trên.

4. Thực hiện chế độ báo cáo công việc theo đúng quy định. Thẳng thắn, trung thực trong báo cáo.

5. Phản ánh thông tin lên cấp trên thẳng thắn, trung thực, kịp thời trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao. Không lợi dụng việc góp ý, phê bình hoặc các hình thức khác làm tổn hại uy tín của cấp trên.

Điều 12. Ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới với phương châm Công bằng - Đúng mực

1. Hướng dẫn cho cấp dưới triển khai thực hiện tốt công việc được giao.

2. Giải quyết công việc đúng với quyền hạn trách nhiệm của mình.

3. Công tâm trong việc đánh giá năng lực, trình độ và đóng góp của cấp dưới.

4. Quan tâm, động viên, khuyến khích và tạo động lực kịp thời để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ được giao.

5. Nắm vững tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cấp dưới. Có thái độ dân chủ, cởi mở để cấp dưới trình bày, trao đổi ý kiến và giải quyết những vướng mắc của họ.

6. Tận tâm trong công việc, gương mẫu cho cấp dưới noi theo.

7. Tôn trọng cấp dưới. Dựa trên năng lực thực tế và vị trí công việc của từng người để giao nhiệm vụ.

8. Quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của tập thể người lao động.

9. Luôn giữ gìn và bảo vệ uy tín của bản thân và cấp dưới, không cửa quyền hách dịch, quan liêu trù dập, thành kiến với cấp dưới.

Điều 13. Ứng xử với người học với phương châm Tận tâm - Mẫu mực

1. Tuân thủ quy định trong thực hiện nhiệm vụ phục vụ đào tạo và giảng dạy.

2. Nhiệt tình, hết lòng vì người học, lấy người học làm trung tâm, cần thể hiện thái độ trung thực, gần gũi, tin cậy và cảm thông. Không được sử dụng bất cứ hành vi bạo lực học đường nào.

3. Không lợi dụng vị trí công việc để gây ảnh hưởng với người học nhằm mục đích cá nhân.

4. Lắng nghe và có tinh thần cầu thị với những ý kiến đóng góp của người học;

5. Công bằng, không phân biệt đối xử với người học.

6. Giao tiếp văn minh lịch sự, thái độ hòa nhã, sử dụng ngôn từ thích hợp, không dùng tiếng lóng, không nói những câu thiếu văn hóa.

7. Tạo bầu không khí học tập tự giác, cởi mở, khuyến khích người học chủ động sáng tạo trong học tập.

Điều 14. Ứng xử với các tổ chức xã hội trong trường với phương châm Hợp tác - Tôn trọng

1.uôn có thái độ cầu thị lắng nghe ý kiến của các tổ chức xã hội đóng góp ý kiến cho công việc quản lý mọi mặt của nhà trường.

2.ó kế hoạch hợp tác với các tổ chức xã hội, kết hợp, động viên cán bộ nhân viên và sinh viên tham gia các hoạt động xã hội.

3. Tạo những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xã hội được phát triển thông qua đó giáo dục, trang bị những kiến thức xã hội cho người học.

Điều 15. Ứng xử với các đối tượng hữu quan bên ngoài trường với phương châm Lịch sự - Nhiệt tình

1. Có thái độ nghiêm túc, đúng mực, thân thiện và hợp tác trong quan hệ công tác với cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan.

2. Lịch sự trong quan hệ công việc, không tỏ thái độ hách dịch, gây khó khăn với đối tác.

3. Lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng cụ thể  về các quy định có liên quan đến giải quyết công việc.

4. Nhiệt tình hướng dẫn khách đến gặp người có trách nhiệm để giải quyết nếu vượt thẩm quyền hoặc không đủ khả năng giải quyết.

5. Nễu lỡ hẹn trong công việc phải biết xin lỗi, tìm cách khắc phục sớm nhất, không đùn đẩy trách nhiệm.

6. Chỉ trao đổi, làm việc về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, công việc được giao.

Điều 16. Ứng xử trong phát ngôn ra bên ngoài với phương châm Trách nhiệm - Trung thực

1. Khi không được nhà trường ủy nhiệm, cán bộ giảng viên, nhân viên không được nhân danh nhà trường phát ngôn, thông tin, thông báo những vấn đề nội bộ của nhà trường ra bên ngoài.

2. Khi nhà trường cho phép nhân danh nhà trường phát biểu cần phải chuẩn bị kỹ, ngắn gọn, đầy đủ, trung thực về những vấn đề đã được các cấp có thẩm quyền kết luận.

3. Không lồng ghép những ý kiến cá nhân trong phát biểu làm méo mó sự thật và phải chịu trách nhiệm về những phát biểu của mình.

 

CHƯƠNG 3: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các đơn vị trong toàn trường, chịu trách nhiệm phổ biến quán triệt tới cán bộ giảng viên, nhân viên, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát quá trình thực hiện.

2. Cán bộ giảng viên, nhân viên vi phạm sẽ bị xử ý theo quy định hiện hành./.

HIỆU TRƯỞNG       

 (đã ký)              

PGS-TS Mai Quốc Chánh


Tải về File đính kèm


Đăng ký xét tuyển Online



Lên trên