Hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên đã trở thành mục tiêu giáo dục quan trọng của các trường và cơ sở giáo dục. Trong bối cảnh ngày nay, nếu coi hoạt động hướng nghiệp là phụ chỉ cần thiết cho các học sinh cuối cấp THPT trong chọn nghề, chọn trường thì sẽ là một sai lầm.
Ngày nay, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong công tác giáo dục hướng nghiệp luôn đóng vai trò rất quan trọng và được các trường đặc biệt chú trọng. Theo thông tin từ Ban truyền thông ĐH Lương Thế Vinh: Hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2022" được tổ chức trong hai ngày 27 và 28/3 tại Hạ Long, Quảng Ninh đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các đơn vị. Chương trình hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2022" được tổ chức trong hai ngày 27 và 28 tháng 3 tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Chương trình Giáo dục PT 2018 đặt ra các yêu cầu bắt buộc đối với tổ chức hoạt động trải nghiệm, trong đó có tư vấn hướng nghiệp; đồng thời chỉ ra rằng, cần hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên càng sớm càng tốt. Hướng nghiệp cần được tổ chức tích hợp trong các hoạt động giáo dục khác, như là một mục tiêu thường trực của mỗi hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục.
Trong khuôn khổ hội thảo "Thắp lửa cùng tiến lên 2022" do Mạng lưới quản lý GD không biên giới (EdulightenUp) tổ chức tại Hạ Long – Quảng Ninh trong hai ngày 27 và 28 tháng 3 năm 2022, chủ để giáo dục hướng nghiệp được thiết kế với sự đồng nghiên cứu – thực hiện giữa các bên gồm: nhà trường THPT, doanh nghiệp và các trường nghề/đại học.
Từ thực tiễn nghiên cứu và thực thi Dự án tam giác hướng nghiệp do EduligtenUp khởi xướng và triển khai với sự tham gia của 11 trường THPT, nội dung của các bài trình bày các gợi ý để các nhà trường hiểu rõ chiến lược và vai trò của họ trong thực thi hướng nghiệp sớm, hiệu quả.
Hướng nghiệp sớm là thực sự cần thiết; sự phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, trường nghề, trường đại học là quyền lợi và trách nhiệm lâu dài. Sự phối hợp này theo nghĩa “đồng kiến tạo” sẽ mang lại những giá trị thiết thực. Quản trị hướng nghiệp là một kĩ năng quan trọng của người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
Từ nghiên cứu về Quản trị hướng nghiệp trong nhà trường PTTH, ThS. Nguyễn Hồng Duyên cho biết, hầu hết các giáo viên đang chưa nhận thức đầy đủ và chủ động về việc thực hiện mục tiêu hướng nghiệp trong chương trình học; cũng như các nhà trường chưa thực sự hiểu và khai thác được nguồn lực trong bối cảnh địa phương, bao gồm cả chỉ đạo của Ngành giáo dục và các nguồn lực doanh nghiệp, trường nghề, các tổ chức xã hội. Vì thế, GD hướng nghiệp chưa được tổ chức, quản trị để đạt được các yêu cầu vốn có.
Từ phía DN và trường ĐH, các diễn giả gồm ông Nguyễn Phú Khánh, bà Phạm Thu Phương cũng cho rằng, khi học sinh, sinh viên không được hướng nghiệp sớm, liên tục, gắn liền với hoạt động giáo dục thì khi các em chọn trường hay đi làm đều rất dễ thất bại. Nguyên nhân là các em không hiểu mình muốn gì, không hiểu yêu cầu, xu hướng của xã hội về lĩnh vực nghề nghiệp.
Vì vậy, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội là đồng lòng và nhận thức được hướng nghiệp tự nhiên, gắn liền với bối cảnh thực tế địa phương. Doanh nghiệp cũng cần nhận ra tuyển dụng cần đi kèm với “hướng nghiệp sớm” cho học sinh vì đấy chính là nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong tương lai.
Thầy Mai Quốc Chanh – trường ĐH Lương Thế Vinh cho rằng Trường đại học không nên chỉ nhìn “tư vấn tuyển sinh” là hoạt động hướng nghiệp duy nhất thuộc trách nhiệm của mình. Các trường đại học cần tổ chức các nghiên cứu, cho học sinh tập dượt, tiếp cận với các mô hình, kĩ năng nghề nghiệp tương lai. Trường ĐH Lương Thế Vinh là một trong những trường đại học có thế mạnh đào tạo kỹ sư các ngành kỹ thuật như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật điện, điện tử…
29/03/2022